๑ ๑ ๑ ۩ ۩ ۞ ۩ ۩ ๑ ๑ ๑
Đại Đông Sơn nổi tiếng như vậy là do cấu trúc đặc biệt và cảnh quan tuyệt mỹ của nó, cùng việc sản xuất ra những viên ngọc thạch hoàn hảo nhất trên đời. Phạm Nhàn còn nhớ một năm trước, trong dịp mừng đại thọ của Thái hậu Bắc Tề, có người dâng cống phẩm là ngọc thạch tinh khiết từ Đại Đông Sơn. Chỉ có điều sau khi Khánh Quốc tiến về phía bắc, chiếm được vùng đất này, đã xây dựng một tòa Khánh miếu khác trên Đại Đông Sơn, nghiêm cấm việc khai thác ngọc thạch. Do đó bây giờ ngọc Đông Sơn chỉ còn hàng tồn trên thị trường, giá cả ngày càng đắt đỏ.
Nguyên nhân thứ ba khiến Đại Đông Sơn trở nên nổi tiếng, chính là do ý chỉ của Hoàng đế Khánh Quốc. Tới giờ hương khói trong Khánh miếu trên Đại Đông Sơn đã nghi ngút hơn xa Khánh miếu ở kinh đô. Một là dù sao Khánh miếu ở kinh đô cũng khá nghiêm ngặt, khiến bách tính không dám tới; ngược lại, Khánh miếu ở Đại Đông Sơn không có vấn đề này. Mặt khác là theo lời đồn đại về Khánh miếu trên Đại Đông Sơn thực sự rất huyền diệu. Không ít người nghèo không có tiền đi xem bệnh, sau khi lên núi cầu phúc sẽ được thần miếu phù hộ, những người mắc bệnh nặng thậm chí không chữa cũng khỏi.
Hai ngọn Đông Sơn, rõ ràng là ngọn nằm bên bờ biển này lớn hơn hẳn, nổi tiếng hơn hẳn, cũng thần kỳ hơn hẳn. Vì vậy thế nhân đều biết ngọn núi này là Đại Đông Sơn, còn gọi ngọn núi gần kinh đô là Tiểu Đông Sơn.
Tuy Khâm sai trước Phạm Nhàn là người chủ nghĩa duy vật, nhưng kiếp này lại là người kiên định theo chủ nghĩa duy tâm. Nhìn vách đá của Đại Đông Sơn, y không nhịn được nheo mắt lại, cảm xúc như lần đầu tiên bước vào Khánh miếu lại dâng lên. Chẳng lẽ trên thế gian này thật sự có một lực lượng trong cõi u minh đang chăm chú nhìn chính mình?