๑ ๑ ๑ ۩ ۩ ۞ ۩ ۩ ๑ ๑ ๑
Ba vị tướng quân trọng yếu được điều động, không phải chuyện tầm thường. Phạm Nhàn hiểu rõ vai trò của các vị đại tướng này, cũng hiểu rõ thái độ khác nhau của bệ hạ với họ. Ví dụ, Thống lĩnh thủ vệ kinh đô Tiêu Kim Hoa, khi kinh đô đại loạn chỉ là Thống lĩnh cửa Đông Hoa môn thuộc mười ba Thành Môn ti. Nhờ lập trường vững vàng, hắn đã ngăn chặn được tàn quân Tần gia của Thái tử trong thành, lập đại công, do đó bệ hạ mới thăng chức cho hắn ba cấp, lên làm Thống lĩnh thủ vệ. Đó cũng là cách bệ hạ tỏ thái độ với trung thần.
Nhưng Phạm Nhàn đã sớm đoán được bệ hạ sẽ không để nhân vật nhỏ bé như Tiêu Kim Hoa giữ chức Thống lĩnh thủ vệ kinh đô quá lâu. Một là hắn nông cạn, khó thu phục thuộc hạ và đảm đương trọng trách. Hai là, Tiêu Kim Hoa xuất thân từ mười ba Thành Môn ti, mà bệ hạ rất phẫn nộ về vai trò mười ba Thành Môn ti trong đại loạn kinh đô.
Hoàng đế tin tưởng Trương Đức Thanh, nhưng Trương Đức Thanh ủng hộ Trưởng công chúa. Mặc dù sau đó Hoàng đế xử lăng trì Trương Đức Thanh, tru di tam tộc, nhưng vẫn chưa xả hết uất ức. Tiêu Kim Hoa cũng bị liên lụy, nhưng chắc người này cũng hiểu vai trò tượng trưng của mình. Nay đi làm Phó Đô đốc Nam Chiếu, có lẽ hắn cũng có thể chấp nhận.
Còn tình hình quân Chinh Bắc quân lại phức tạp hơn nhiều. Sau cái chết của Yến Tiểu Ất, đại doanh Chinh Bắc ở Thương Châu bị liên lụy đến án mưu phản, trong hai năm qua đã trải qua không biết bao nhiêu lần thanh tẩy. Triều đình không cho Đại tướng Sử Phi chính thức nhận chức Đại đô đốc mà chỉ cho tạm quyền, còn nằm dưới quản lý của Đô đốc đại doanh Yến Kinh Vương Chí Côn.