Còn có người bằng hữu thân thiết nhất, Lưu Tiện Dương, từ rất sớm đã tuyên bố muốn đi xem ngọn núi cao nhất, dòng sông lớn nhất bên ngoài quê nhà, cả đời này hắn tuyệt đối không thể chết ở một nơi nhỏ bé như chốn thị trấn này, vậy sau khi Lưu Tiện Dương đã quen với những ngọn núi hùng vĩ và phong cảnh trên non cao, có khi nào hắn sẽ không còn muốn trở về quê nhà nữa chăng?
Trần Bình An vẫn luôn có những lo lắng thế này thế nọ, cho nên hắn mới thực sự ngưỡng mộ sự vô tư, vô lo của Phạm Nhị.
Trần Bình An không giống với hàng xóm Tống Tập Tân và Mã Khổ Huyền ở Hạnh Hoa Hạng. Hai vị thiên chi kiêu tử, mệnh định là sẽ danh chấn thiên hạ này, nếu nhìn thấy thứ tốt mà không có được, Tống Tập Tân phần lớn sẽ buông lời châm chọc, còn Mã Khổ Huyền, một khi tâm tình không tốt, có thể sẽ vung tay hủy hoại thứ đó, ta không có được thì ngươi cũng đừng hòng.
Trần Bình An thu lại dòng suy nghĩ, tiếp tục lật xem cuốn kiếm phổ mà Trịnh Đại Phong tạm thời đặt tên là "Kiếm Thuật Chính Kinh".
Nếu nói “chính kinh” là rất lớn, thì “kiếm thuật” lại rất nhỏ, bởi vì kiếm thuật là pháp môn kỹ xảo mà kiếm khách, võ phu tu luyện, thường chỉ có kiếm tu trong hàng ngũ luyện khí sĩ mới có thể nói đến hai chữ “kiếm đạo”. Thải Y quốc Kiếm Thần bị Mã Khổ Huyền đánh chết, Sơ Thủy quốc Kiếm Thánh Tống Vũ Thiêu, Cổ Du quốc Kiếm Tôn Lâm Cô Sơn, Tùng Khê quốc Kiếm Tiên Tô Lăng, đều là võ phu dưới núi, đại thể vẫn còn lăn lộn trong giang hồ, không được những người trên núi xem là đồng đạo.