Quả nhiên vẫn là đi tới bước này. Ngụy Uyên thầm than thở, lúc đầu, khi biết Hứa Tân Niên bị cuốn vào án gian lận khoa cử, Ngụy Uyên nghĩ chuyện này chẳng có gì, sau đó khi Hứa Thất An thẳng thắn nhận mình làm thơ giúp đường đệ, Ngụy Uyên đã cho hắn một đề nghị rằng:
Tranh thủ thời gian nhẹ nhàng xử lý.
Đây là một sơ hở trí mạng.
Hình như Hứa Ninh Yến còn có một chỗ dựa khác. Hắn chưa nói, nhưng ta có thể cảm nhận ra được Tào Quốc Công lâm trận phản bội. Trong lòng Ngụy Uyên đã có suy đoán đại khái, nhưng làm sao để giải quyết chuyện này, thì Ngụy Uyên hoàn toàn không có đầu mối.
Nguyên Cảnh Đế từ trên cao nhìn xuống Hứa Tân Niên, giọng trầm trầm uy nghiêm: "Không dám?"
Hứa Tân Niên nuốt nước miếng, đưa đầu rụt đầu đều là một đao, nghiến răng: "Bệ hạ thỉnh ra đề."
Nguyên Cảnh Đế cười nhạt, giọng thản nhiên: "Trượng nghĩa tử tiết báo quân ân, ừm, thuận tiện lấy "Trung quân đền nợ nước" làm đề, làm một bài thơ đi. Cho ngươi thời gian một nén nhang."
Nghe thấy đề của Nguyên Cảnh Đế, đám người Tôn thượng thư không nhịn được cười thầm.
Bệ hạ đã biết Hứa Tân Niên là học sinh Vân Lộc thư viện, vậy mà còn ra đề như vậy, rõ ràng là cố ý.
Hơn nữa, từ xưa tới nay, thi thơ truyền thế về trung quân đền nợ nước, đa phần đều sáng tác lúc nước mất nhà tan. Thời thái bình thịnh thế cực hiếm người lấy cái này làm đề kiệt tác.
Đề này thật khó!
Trung quân đền nợ nước! Hứa Tân Niên cứng người, sững ra tại chỗ.
Ngày đó, đại ca bắt thăm, lấy ra hai đề thi, một là vịnh chí, hai là yêu nước. Bài thơ Vịnh chí đã phát huy tác dụng trong kì xuân vi, giúp hắn trở thành hội nguyên đương triều.
Còn lại bài thơ yêu nước, vốn là không có đất dụng võ.
Không ngờ, bây giờ, đề bài Nguyên Cảnh Đế đưa ra, lại là viết về trung quân ái quốc.
Chẳng lẽ bệ hạ với đại ca từ lâu đã là cùng phe? Nếu không, phải giải thích làm sao sự trùng hợp này?
Nguyên Cảnh Đế mặt không cảm xúc nhìn hội nguyên, sát ngôn quan sắc là kỹ năng một vị đế vương đã phải luyện tới lô hỏa thuần thanh từ hồi còn làm hoàng tử.
Biểu cảm, ánh mắt của Hứa hội nguyên đều chứng tỏ sự khủng hoảng và tuyệt vọng trong lòng hắn, cả người ngây ra như phỗng.
Cảm xúc của Dự vương cũng chẳng khác gì, ông hắng giọng, gọi: "Bệ hạ"
"Dự vương!"
Binh bộ Thị lang cất giọng cắt ngang: "Thời gian một nén nhang có hạn, mong ngươi đừng quấy rầy Hứa hội nguyên làm thơ, chư công trong triều đều đang chờ đây."
Mặt Dự vương trầm xuống.
Thần sắc các đại thần không ai giống ai, có người lo âu, có người sảng khoái, người thì cười nhạt, kẻ thì đứng đó bàng quan.
Hứa Tân Niên cất cao giọng: "Không cần tới một nén nhang, học sinh đa tạ bệ hạ khai ân, ban cho cơ hội. Đại ca ta Hứa Thất An là thơ khôi Đại Phụng, làm thơ chỉ là chút tiện tay.
"Ta đương nhiên không thể làm hắn mất thể diện."
Hử? !
Sao tự nhiên tự tin dữ vậy?
Chư công trong triều, Dự vương và Nguyên Cảnh Đế đều sững ra.
Sau đó, một giọng ngân nga trầm bổng vang lên trong đại đện:
"Hắc vân áp thành thành dục tồi, giáp quang hướng nhật kim lân khai."
* Bài thơ Nhạn Môn Thái Thú Hành:
Mây ám ép thành thành muốn đổ, (khí thế bên công thành)
Giáp vàng vảy bạc chói vầng kiêu. (khí thế phe thủ thành)
Mới chỉ một câu, trong đầu mọi người đã hiện ra một cảnh tượng công thành đồ sộ mà sống động. Kẻ địch cuồn cuộn áp tới, như mây đen áp đỉnh. Trên tường thành, khôi giáp của quân giữ thành lóe lên dưới ánh mặt trời, bày trận mà đợi.
Hứa Tân Niên quay đầu, mắt từ từ quét qua chư công, ngâm nga: "Giác thanh mãn thiên thu sắc lý, tắc thượng yến chi ngưng dạ tử*."
*Rợp trời kèn rúc pha thu sắc, (bắt đầu đánh nhau)
Chót ải son loang tím rịn chiều. (đến chiều, cờ hồng đã loang máu tím)
Huân quý cả triều ngạc nhiên nhìn qua, thư sinh này chưa từng ra chiến trường, sao mô tả được cảnh tượng nơi chiến trường thích hợp tới như vậy, thấm sâu vào lòng người tới như vậy?
"Bán quyển hồng kỳ lâm dịch thủy, sương trọng cổ hàn thanh bất khởi."
* Bó nửa cờ hồng xông Dịch Thủy, (đến đêm, cuốn cờ lại, hành quân đi phản công)
Sương đầy trống lạnh tiếng khôn kêu. (Đến nơi gióng trống xông lên nhưng trống bị ngấm sương lạnh nên đánh không kêu)
"Hay cho một câu ‘Sương đầy trống lạnh tiếng khôn kêu!’ Bổn hầu như lại trở về năm đó, những năm da ngựa bọc thây, thú thủ biên ải." Uy Hải Bá như mê như say, lớn tiếng khen ngợi.
Những huân quý khác cũng đắm chìm trong mị lực của bài thơ.
Quan văn thì cau mày, không vui liếc đám võ phu thô lỗ, ghét bọn họ tự nhiên lên tiếng ngắt ngang.
Tôn thượng thư nhìn Tả Đô Ngự Sử Viên Hùng, Viên Hùng mờ mịt quay qua nhìn Binh bộ Thị lang Tần Nguyên Đạo, Tần Nguyên Đạo thì mặt tái xanh quay qua nhìn Đại Lý Tự Khanh.
Bốn người không tiếng động trao đổi ánh mắt với nhau, lòng trầm xuống.
Đại Lý Tự Khanh trầm giọng: "Bài thơ này đúng là không tệ, nhưng có liên can gì tới trung quân đâu? Thứ ngươi đang làm là về sa trường nhung mã, đường đường hội nguyên, mà ngay cả đề thơ là gì cũng làm không đúng.
"Không phải gian lận thì là cái gì!"
"Đúng thế!" Tần Nguyên Đạo lớn tiếng.
Hứa Tân Niên bịt tai không nghe, chợt xoay người, hướng về phía Nguyên Cảnh Đế cúi đầu, chắp tay, giọng chợt trở nên cao vút, vang khắp điện:
"Báo quân hoàng kim thai thượng ý, đề huề ngọc long vi quân tử."
*Quyết ơn mưa móc Hoàng Kim ấy, (Xem truyện Yên Chiêu Vương lập đài Hoàng Kim chiêu hiền)
Cầm chắc Ngọc Long thác cũng liều. (cầm kiếm Ngọc Long quyết vì vua mà chết).
Đại Lý Tự Khanh như ngừng thở, kinh ngạc nhìn Hứa Tân Niên, thấy mặt mình như bị một bàn tay vô hình tát mạnh cho một bạt tai, một luồng lửa xông lên đầu.
Đám người Tôn thượng thư cũng xanh mặt, trán nổi gân xanh.
Quyết ơn mưa móc Hoàng Kim ấy, cầm chắc Ngọc Long thác cũng liều! Nguyên Cảnh Đế hiểu ra, nở nụ cười, mặt rồng vui mừng:
"Thơ hay, thơ hay. Không hổ là hội nguyên, không hổ là tài tử viết ra được《 Đi đường khó 》."
Giọng nói và thần thái, dù là ai cũng nhìn ra được, tâm tình của bệ hạ rất tốt.
Dừng một lúc, Nguyên Cảnh Đế hỏi: "Nhưng mà, Hoàng Kim đài đó là ý gì?"
Hoàng Kim đài? Hẳn là cái đài cao đúc bằng hoàng kim! Hứa Tân Niên khom người chắp tay, tỏ vẻ mình am hiểu: "Vì bệ hạ thành tâm ra sức, hy sinh vì bệ hạ, đừng nói là đài cao đúc bằng hoàng kim, có là ngọc đài, thì cũng dễ như trở bàn tay."
Nguyên Cảnh Đế chậm rãi gật gù, ý cười trên mặt càng thêm sâu: "Không sai, triều đình từ trước đến nay thưởng phạt phân minh, tuyệt không bạc đãi công thần. Trẫm cũng vậy."
Ông ta nói tiếp: "Hứa hội nguyên có thi tài không thua kém đại ca,《 Đi đường khó 》 hẳn nhiên là ngươi làm. Còn về kinh văn và thư luận, đến khi điện thử, trẫm sẽ đích thân đọc, hy vọng không làm trẫm thất vọng.
"Chỉ cần ngươi có thể lọt vào nhị giáp, trẫm hứa với ngươi, sẽ cho người vào Hàn lâm viện, làm một thứ cát sĩ."
Hàn lâm viện là nơi đào tạo ra trữ tương, thứ cát sĩ tuy kém hơn một giáp, nhưng vẫn có tư cách vào nội các, là thanh quý nhất đẳng của đương triều.
Ngụy Uyên với Vương Thủ phụ, một quay sang trái, một quay sang phải, cùng nhìn Hứa Tân Niên.
Hứa Tân Niên như trút được gánh nặng, cố kiềm niềm vui trong lòng: "Đa tạ bệ hạ."
Nguyên Cảnh Đế nói: "Trẫm mệt mỏi, bãi triều."
Xong, án gian lận khoa cử đến đây coi như là kết thúc.
Trừ phi Hứa Tân Niên trong điện thử phát huy thất thường, văn chương viết nát, nhưng chuyện này xác suất cực kỳ nhỏ, là học sinh Vân Lộc thư viện, hội nguyên đương triều, tài hoa của hắn nhất định là hàng đầu trong hàng cống sĩ.
Mấu chốt nhất là, bệ hạ có vẻ rất thưởng thức người này, đây mới là điều quan trọng.
Chư công trong triều sắc mặt quái dị, không ngờ án này lại chấm dứt với kết cục như vậy.
Ăn trộm gà không thành còn mất luôn nắm gạo, Tôn thượng thư sắc mặt khó coi, đợi điện thử xong, án gian lận khoa cử kết thúc, nhất định sẽ có người nhân cơ hội công kích, chỉ trích ông ta lạm dụng chức quyền, gài tang vật hãm hại người.
Cấp Sự Trung lục bộ, và các quan viên tam phẩm còn lại đều thấy thất vọng và bất mãn.
Sự bất mãn này, khi nghe thấy Nguyên Cảnh Đế cam kết cho Hứa Tân Niên vào Hàn lâm viện, đã hầu như đạt tới mức tận cùng.
Một học sinh Vân Lộc thư viện, có tư cách gì vào Hàn lâm viện? Quốc Tử Giám sáng lập hai trăm năm, chưa bao giờ có chuyện như vậy.
Chư công trong điện, và quần thần ngoài điện, ôm mối lòng phức tạp tản đi, lúc đi qua quảng trường, nhìn thấy một ngân la đang chống đao đứng đó.
Lưng hướng về phía ngọ môn, mặt hướng về phía quần thần.
Hoài Khánh và Lâm An đứng phía xa, không đứng chung với Hứa Thất An.
Một bên là mấy trăm quan lại kinh thành cầm thú áo mũ chỉnh tề, tay nắm thực quyền.
Một phe là một võ phu thô lỗ cô độc đứng đó, một ngân la Đả Canh Nhân.
Một người mà chặn được cả nhóm người có quyền lực lớn nhất của Đại Phụng.
Quần thần nhìn thấy tiểu ngân la chặn đường kia, cũng nhận ra thân phận của hắn, trong giới quan lại kinh thành, không ai là không biết hắn.
Hắn muốn làm gì?
Chỉ là một võ phu thô lỗ, mà dám dương dương đắc ý, ở đây diễu võ dương oai?
Thượng Thư, Thị Lang lục bộ, Cấp Sự Trung lục bộ, tông thất, huân quý… đều nhìn Hứa Thất An, quan sát hắn.
Chỉ là một võ phu, mà dám cản đường của chúng ta?
Một người một đao đứng ngay ngọ môn, cản đường quần thần.
Hứa Thất An thấy các quần thần, thì chậm rãi quét mắt một vòng, sau đó cười nhạt, dồn khí vào đan điền, chậm rãi nói:
"Nhĩ tào thân dữ danh câu diệt, bất phế giang hà vạn cổ lưu!", phi!
(Vương, Dương, Lư, Lạc vẫn hợp dòng
Mấy kẻ chê bôi nhạt, nhẹ bồng
Bài xích, thân danh ngươi sẽ hết
Họ còn muôn thuở với non sông.
Đỗ Phủ)
Nhổ một bãi nước bọt, xách đao, chậm rãi rời khỏi.
Sỉ nhục hàng loạt!
Cả trong lẫn ngoài ngọ môn, đều chìm vào tĩnh mịch.