Sau đó, Trần Bình An đi thăm mộ thần tiên, quen đường quen lối bái lạy mấy pho tượng thần.
Trần Bình An không phung phí tiền sửa đường lát cầu, mà lựa chọn mộ thần tiên này, lấy danh nghĩa Nguyễn Tú, thuê thợ tu sửa những pho tượng thần đã bể nát xiêu vẹo, hắn bỏ tiền, còn cô ra mặt. Nguyễn Tú không hiểu vì sao, nhưng cũng không truy hỏi gì, chỉ gật đầu đồng ý.
Lần trước trải qua một trận hạo kiếp, trong màn đêm, toàn bộ dân chúng trấn nhỏ đều có thể nghe được tiếng nổ bạo liệt của mộ thần tiên, không khác gì tiếng pháo tưng bừng. Tượng thần càng lúc càng thưa thớt, cũng càng bị tàn phá hơn. Trần Bình An nghe theo đề nghị của Nguyễn Tú, lần này tu sửa trên quy mô lớn, về nguyên tắc là sửa giống y như cũ, cố gắng giữ lại nguyên trạng, nếu không thể đảm bảo khôi phục như cũ, cũng chỉ đảm bảo tượng thần được dựng lên lại sẽ không bị sập tiếp lần nữa, tuyệt đối không được tùy ý bóp méo chỉnh sửa, cho nên đã tạm thời dựng lên những lán trúc để che mưa chắn gió.
Thỉnh thoảng Trần Bình An sẽ đi đến hai cửa hàng hẻm Kỵ Long ngồi một lát, sau đó cứ như vậy bận rộn liên tục, trước đêm ba mươi Tết, Trần Bình An đặc biệt cố tình đến Lạc Phách Sơn một chuyến, đi tìm tiểu đồng áo xanh và nữ đồng váy hồng.
Sau khi Nguyễn Tú biết được tin tức này, nói là vừa hay cô muốn đi giám sát công việc xây phủ trên Thần Tú Sơn, vì thế cùng Trần Bình An vào núi, sau đó vẫn không mỗi người đi một ngả, mà là giữa đường thay đổi chủ ý, nói là muốn đi xem thử lầu trúc nhà Trần Bình An, lần trước chỉ mới nhìn sơ qua, giờ muốn xem xét kỹ hơn. Trần Bình An đương nhiên sẽ không từ chối.