Ông lão chân đất ngồi xuống ghế trúc bên cạnh thiếu niên, "Ồ? Những chuyện rách rưới thê thảm khi còn nhỏ? Cũng được thôi, nói ra để lão phu cũng được vui lây."
Trần Bình An uống rượu, không tức giận, đưa hồ lô màu đỏ thẫm qua, ông lão khoát tay nói ghét uống rượu dở, Trần Bình An liền mở lòng, chậm rãi nói: "Cho dù ta luyện quyền, mỗi ngày ngao ngao kêu đau, còn lén khóc vài lần, cảm thấy thật sự sắp bị lão tiền bối đánh chết tới nơi, nhưng cho tới bây giờ, ta vẫn cảm thấy trong cuộc đời mình, thời điểm khó sống nhất là khi còn nhỏ, có một lần khi một mình vào núi hái thuốc, ta nhớ rất rõ, mặt trời trên đầu chiếu xuống ánh nắng rất gắt, ta còn đeo một cái gùi to bằng cỡ người trưởng thành như ta bây giờ, lúc ấy tự tin, nghĩ có cái gùi to, có thể chứa được nhiều dược liệu hơn, mẫu thân sẽ nhanh khỏi hơn, sau đó đi tới đi tới, bị ma sát rách cả da vai, phơi giữa trời nắng nóng, mồ hôi cứ chảy ra, nóng rát như lửa, chủ yếu là khi đó ta mới vừa ra khỏi trấn nhỏ, nghĩ tới phải chịu đau như vậy suốt cả ngày, thật sự là cũng có lúc muốn chết đi cho xong.”
Ông lão cười chế giễu.
Nhưng không phải cười Trần Bình An, mà là nhớ tới đệ tử Thôi thị cẩm y ngọc thực, thế đại trâm anh, là hào phiệt đứng đầu Bảo Bình châu, sau đó bọn nhãi con kia luyện quyền, mới đứng cọc thôi mà ai ai cũng như chịu ức hiếp rất nhiều, trở về nhà mình bắt đầu cáo trạng với cha mẹ, hoặc là vào những ngày xuân hàn đông lạnh, quấn áo lông áo lông cừu dày như đòn bánh tét, sáng sớm học tại nhà đã cảm thấy mình đang chịu đau khổ lớn nhất trên đời này, đêm trừ tịch còn đòi mấy vị tổ tông một phong bao lì xì thật to. Ông lão không thích những điều này, nhưng mà mấy huynh đệ cùng thế hệ còn lại thì chiều theo, trẻ con biết khóc sẽ có kẹo ăn thôi.
Trần Bình An tiếp tục nói: "Lần thứ hai là đói, hũ gạo trong nhà đã cạn thấy đáy, những gì có thể bán được đều đã bán sạch, lại không có mặt mũi đi xin người khác, đi tới đi lui ngay tại ngõ nhỏ, muốn người khác chủ động lên tiếng, gọi hỏi ta có muốn tiện thể vào ăn một bữa cơm không. Mùa đông năm đó lạnh quá, thật sự là rất lạnh, thời tiết hè thu còn không sao, nhà có nghèo, thiếu quần áo mặc cũng không sao, hơn nữa lên núi hái thuốc có thể kiếm chút tiền, mỗi lần hái thuốc còn có thể thuận tiện mang về nhà rau dại, trái cây, hoặc là mượn búa sắt của hàng xóm láng giềng, đi ra dòng suối nhỏ gõ đá, có thể gõ ngất mấy con cá nhỏ núp ở phía dưới, về nhà dán lên trên tường phơi nắng, hoàn toàn không cần nêm dầu muối, phơi khô là ăn được, còn rất ngon là khác. Nhưng mà mùa đông năm ấy ra thật sự không có cách nào khác, không cầu xin người khác thì sẽ đói chết, làm sao bây giờ. Ban đầu da mặt mỏng, không ngừng nói với bản thân, Trần Bình An, ngươi từng hứa với mẫu thân, về sau sẽ sống thật tốt, sao mà cha mẹ mới đi một năm, đã không khác gì đứa trẻ ăn xin? Cho nên lúc ấy nằm trên giường, cảm thấy có thể vượt qua được, có thể xem như không có cơn đói này, nhưng biết đâu rằng đói là đói, không có chuyện đói quá ngủ thiếp đi, ngược lại càng đói càng tỉnh táo. Hết cách rồi, đành bò khỏi giường đi ra sân, rồi đi bộ trong ngõ nhỏ, có vài lần muốn gõ cửa, nhưng lại rụt tay về, chết sống không mở miệng nói được. Sau đó ta mới nói với bản thân, sẽ đi lần cuối cùng trong ngõ Nê Bình, đi từ đầu này đến đầu kia, nếu vẫn là không có người mở cửa, nói với ta ‘Tiểu Bình An, trễ thế này đã ăn cơm chưa, nếu như chưa ăn, vào trong này ăn một miếng đi.’ Vậy thì ta sẽ phải đi tới gõ cửa xin người khác giúp đỡ, chỉ là khi đó ta đã thề trong lòng, sau này ta lớn lên, nhất định sẽ báo đáp thật tốt nhà nào đã cho ta ăn cơm. Cuối cùng ta bắt đầu đi từ đầu ngõ nơi có tổ trạch Tào gia kia, kết quả đi mãi tới nhà Cố Sán cuối ngõ nhỏ, vẫn không có người mở cửa."