Trên đỉnh núi ở đảo Quế Hoa, có một cây quế tổ thụ, Trần Bình An đứng dưới bóng cây râm mát, bất giác nhớ đến cây hòe già ở quê nhà. Cây quế trước mắt cành lá xum xuê, rợp bóng như lọng che, còn cây hòe già nơi cố hương nay đã không còn. Trần Bình An thoáng chốc trầm buồn, rồi lại mỉm cười, vẫn nhớ như in hình ảnh tiểu cô nương mặc áo bông đỏ vác cành hòe chạy nhảy. Sự hoạt bát đáng yêu, không sợ trời không sợ đất của Lý Bảo Bình, cùng với sự vô lo vô nghĩ của Phạm Nhị ở lão Long Thành, mỗi ngày đều sống thật vui vẻ, khiến Trần Bình An hâm mộ khôn nguôi, tự hỏi có một ngày bản thân có thể trở thành người như thế hay không? Chẳng hay đây có được coi là “kiến hiền tư tề” như trong sách thánh hiền đã dạy?
Ngoài Trần Bình An, dưới gốc cây quế già còn có hành khách trên thuyền tụm năm tụm ba, đều là những người mộ danh mà tới, chỉ trỏ vào cây cổ thụ này. Một số nữ tử chọn sẵn vị trí, để mấy vị họa sư trên đảo Quế Hoa vẽ lại dung nhan. Lại có một nhà ba người, nhờ vị luyện khí sĩ họa sư có tài hoa diệu bút kia, vẽ cho một bức tranh gia đình để lưu giữ làm kỷ niệm.
Trước đó, trên xe ngựa Phạm Nhị đã nhắc nhở Trần Bình An, rằng những vị khách có thể từ lão Long Thành đến đảo Huyền Sơn làm ăn, cảnh giới cao thấp khác nhau, xuất thân tốt xấu bất đồng, nhưng có một điểm chung, chính là không ai dễ trêu chọc. Bảy mối quan hệ, tám chỗ quen biết, ai cũng có thể lôi ra một hai vị nhân vật có tiếng tăm hoặc là hào phú tiên gia. Bởi vì Phạm gia ở đảo Quế Hoa ngoại trừ mấy kho chứa vật tư của mình, còn có rất nhiều khách nhân giàu có, cũng nhờ đảo Quế Hoa vận chuyển hàng hóa. Nhóm người này, không thiếu bối cảnh và tài lực, thậm chí có thể giàu có hơn cả Phạm gia, chỉ thiếu một chiếc thuyền vượt châu nhờ cơ duyên mà có, cùng một tuyến đường hàng hải ổn định an toàn mà thôi.
Trần Bình An vốn không phải kẻ thích gây chuyện thị phi, cho nên lời nhắc nhở của Phạm Nhị, có cũng được mà không có cũng chẳng sao.
Lúc này, Trần Bình An yên lặng đứng ở xa, chờ đợi một vị trung niên họa sư dừng bút đưa tranh cho khách, Trần Bình An mới tiến lên, cùng nữ tử đang hớn hở ôm tranh kia lướt qua nhau. Hắn liếc mắt nhìn bức tranh trong tay nữ luyện khí sĩ, giống y như thật, không cứng nhắc như tranh thần giữ cửa ở quê nhà. Trong tranh, xiêm y và tóc của nữ tử nhẹ nhàng tung bay, lá trên cây quế cũng lay động như sóng nước. Chỉ là với nhãn lực của Trần Bình An, hắn phát hiện dung mạo của nữ tử có chút khác biệt so với bức tranh, dường như vị họa sư kia đã thêm thắt vài phần. Trần Bình An âm thầm thán phục, so với thủ pháp sao chép bia đá trên thuyền Côn lúc trước, mỗi thứ đều có sở trường riêng.