Mặc dù cuối cùng Tống Mộ Nhi vẫn chia nửa quả đào cho Tống Ngưng Nhi, nhưng mà Tống Ngưng Nhi vẫn có vẻ không vui lắm.
Lý Nặc cũng thấy hơi lúng túng.
Giờ phút này hắn rất giống như một phụ huynh bất công, trong nhà có hai đứa trẻ lại thiên vị một đứa.
Nói thật, không phải giống như mà thật sự thiên vị Mộ Nhi hơn.
Mặc kệ là có thứ gì tốt hay ăn ngon chơi vui, thì hắn đều nghĩ đến Mộ Nhi đầu tiên.
Bởi vì Mộ Nhi ngoan ngoãn hiểu chuyện.
Lần đầu tiên gặp mặt, Mộ Nhi không ghét bỏ mà chơi với một kẻ ngốc, khi có người bắt nạt hắn thì Mộ Nhi sẽ ra mặt cho hắn, sẽ ngọt ngào nói tiếng cảm ơn sau khi Lý Nặc trang điểm cho nàng.
Trừ một số tư tưởng mục nát kia, tất cả thiên vị trên đời này đều không phải không có lý do.
Công bằng tuyệt đối với cả hai tỷ muội, chính là không công bằng với Mộ Nhi.
Cho nên mặc dù Lý Nặc hơi xấu hổ khi bị bắt tại trận, nhưng lại không cảm thấy mình làm sai, đơn giản là lần sau sẽ chiếu cố cảm nhận của Ngưng Nhi, cố gắng tránh Ngưng Nhi ra mà thôi. . .
Tống Ngưng Nhi ăn đào xong, liền bỏ chạy đi xa.
Tống Mộ Nhi thì ngoan ngoãn ngồi đọc sách bên cạnh Lý Nặc, thấy chữ không biết thì lại hỏi Lý Nặc.
Trải qua thời gian đọc sách vất vả, Lý Nặc đã đọc nát cuốn Thuyết Văn kia rồi, trừ một ít chữ không thường thấy thì phải tra từ điển, còn đâu Lý Nặc đã biết hết.
Tống Mộ Nhi đang đọc sách vỡ lòng của Đại Hạ, tuy nói nữ tử không thể tham gia khoa cử, nhưng các gia đình giàu có, nhất là nhà quan lại quyền quý thì vẫn rất coi trọng giáo dục nữ tử trong nhà.
Những nữ tử này được học tập từ nhỏ, văn học, toán học, âm nhạc, thư họa, vân vân… không cần tất cả đều tinh thông, nhưng đều được học lướt qua.
Dù sao tầng lớp giai cấp ở Đại Hạ rất nghiêm, thế gia vọng tộc sẽ chỉ thông gia với thế gia, một chủ mẫu của gia đình giàu có, dù không phải cầm kỳ thư họa mọi thứ đều tinh thông, nhưng không thể là một kẻ mù chữ. . .
Đương nhiên, đây chỉ là cách nhìn nông cạn của người khác.
Lý Nặc quay đầu nhìn thoáng qua nương tử đang múa kiếm trong sân, cảm thấy mù chữ cũng không có gì không tốt.
Chí ít, khi hắn giảng toán học cho Mộ Nhi, thì nàng thường xuyên nhìn hắn với ánh mắt hâm mộ và sùng bái, luôn khiến hắn mừng thầm. . .
Hôm nay Mộ Nhi lại không hỏi bài, Lý Nặc quay đầu hỏi: “Hôm nay Trần tiên sinh không giao bài tập về nhà sao?”
Tống Mộ Nhi lắc đầu nói: “Không có, hôm nay Trần tiên sinh xin nghỉ.”
Thật ra trước kia Lý Nặc vẫn có chút thành kiến với Trần tiên sinh.
Hắn cảm thấy Trần tiên sinh là loại giáo viên không biết dạy theo khả năng của mỗi người, luôn giao bài tập rất khó cho trẻ con, nhưng hôm qua gặp mặt, hắn đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn với Trần tiên sinh.
Lão tiên sinh kia không chỉ rất giỏi toán học, quan trọng hơn là, tuổi tác đã cao mà còn có thể cúi đầu thỉnh giáo một người trẻ tuổi như hắn, thái độ khiêm tốn lễ phép, để người ta không khỏi sinh lòng khâm phục. . .
. . .
Thư viện Thanh Phong.
Trần tiên sinh chắp tay sau lưng, nhìn ba ông lão tóc hoa râm, khóe miệng cong lên, nói: “Chậc chậc. . . lão phu đã giảng cặn kẽ như vậy rồi, ba người các ông vẫn không hiểu sao?”
So với Trần tiên sinh tinh thần sung mãn, ba ông lão khác đều có vẻ tiều tụy.
Tuổi đã cao, lại thức suốt hai đêm thì lấy đâu ra tinh thần.
Ba người đã nghiên cứu và thảo luận cả đêm, cho rằng mình có thể hiểu rõ ảo diệu trong đó.
Nhưng không ngờ rằng, ba vị Thái Đẩu trong giới toán học Đại Hạ thậm chí còn không hiểu cả cách giải của người khác.
Vốn cho rằng họ Trần chỉ ra vẻ ta đây, nhưng hôm nay nghe giảng giải một phen, chợt cảm thấy bừng tỉnh, tất cả nghi hoặc trong lòng đều được cởi bỏ.
Nói ra thật xấu hổ, bọn họ sống cả đời, hôm nay mới biết toán học ảo diệu như vậy.
Với tầm mắt của bọn họ, có thể dễ dàng phát hiện cách giải của họ Trần được bắt nguồn từ ‘Phương điền’ và ‘Câu cổ’, nhưng lại không chỉ là ‘Phương điền’ và ‘Câu cổ’, mà chính là một phương pháp toán học hoàn toàn mới.
Nếu có thể hoàn thiện nó, hoàn toàn có thể mở ra thêm một lĩnh vực toán học mới nằm ngoài ‘Cửu Số’, địa vị của họ Trần này cũng có thể sánh với các tiên hiền.
Lần này, ba người tâm phục khẩu phục.
Ông lão họ Lục chắp tay, vui lòng phục tục: “Lão phu thừa nhận, trên toán học thì lão phu kém xa ông.”
“Lão phu cũng thừa nhận.”
“Toán học. . . coi như ông giỏi.”
Hai ông lão khác cũng tỏ thái độ, bốn người tranh giành cả đời, không ngờ họ Trần đến tuổi lục tuần, lại có thể lĩnh ngộ ra, bọn họ vừa tiếc nuối lại vừa không thể không phục.
Trần tiên sinh vuốt râu, nói: “HIếm thấy các ông có giác ngộ này, còn có vấn đề gì không hiểu thì lấy hết ra đây, lão phu giúp các ông một tay. . .”
. . .