Trường thi Xuân vi là một dãy phòng lắp kín, gọi là "Hào xá". Học sinh sau khi tiến vào, binh sĩ giám thị sẽ khóa cửa lại, chỉ chừa một cửa sổ nhỏ để đặt bài thi.
Học sinh sẽ ở trong cái phòng nhỏ này suốt cả ngày để làm bài.
Ánh nến như đậu, trong gian phòng nhỏ lờ mờ, Hứa Nhị Lang ngồi bên bàn, rót nước vào nghiên mực, từ từ mài mực.
Cách giờ thi còn một thời gian rất dài, đủ cho hắn tĩnh tâm suy nghĩ vài chuyện.
Từ xưa, khoa cử đã nặng kinh nghĩa, nhẹ thi phú, hơn nữa thi đàn Đại Phụng suy yếu đã lâu, vì vậy lúc này mới làm thử lần cuối, đối với đại đa số học sinh, chẳng qua chỉ là làm cho có mà thôi.
Lúc vừa nhập viện, các học sinh quen nhau còn nói cười vui vẻ, sung sướng tự đắc. Không giống hai vòng thi trước, ai nấy sắc mặt nghiêm túc, hồi hộp căng thẳng, cứ như sắp khoác giáp ra trận.
Nhưng, người khác có thể ung dung, Hứa Nhị Lang biết mình không thể sơ sẩy khinh thường.
Hắn là học sinh Vân Lộc thư viện, theo thái độ của chư công trong triều với học sinh Vân Lộc thư viện, sau khi đậu Tiến sĩ, không bị đày tới quê nghèo đất hoang, thì cũng mãi bị giữ chân không cho quan chức, thăng tiến.
Hứa Nhị Lang có chí hướng của mình, vừa không muốn bị đày đi đến quê nghèo đất hoang, cũng không muốn bị vùi lấp trong kinh.
"Con đường phía trước cứ từ từ vậy... . ." Hứa Tân Niên thở dài.
Lúc này, binh sĩ ngoài cửa gõ vào cửa sổ nhỏ, ồm ồm nói: "Lão gia, bài thi tới."
Tham gia xuân vi đều là Cử nhân, Cử nhân có tư cách làm quan, nên binh lính coi thi đều gọi học sinh đi thi là "Lão gia".
Hứa Tân Niên nhận đề thi, đặt lên bàn, lúc này sắc trời đã sáng, nhưng ánh sáng mặt trời không tới được nơi này.
Dưới ánh nến, Hứa Tân Niên định thần nhìn lại, đề mục là một câu trong Trình tử can qua (binh khí Trình tử): "Ba quân có thể đoạt soái nhưng thất phu không thể đoạt chí."
Hứa Nhị Lang đọc đủ thứ thi thư trong nháy mắt đã nhìn ra điểm chính: Vịnh chí!
Hắn nhìn chằm chằm bài thi, thần sắc vô thức trở nên đờ đẫn, trong mắt không tin nổi.
"Hôm đó đại ca trước lúc vô phòng mình, nhất định đã đạp trúng phân chó nhỉ?" Hứa Nhị Lang lẩm bẩm.
Giá có thể cho hắn đoán trúng?
Chuyện hôm bắt thăm, Hứa Nhị Lang đã bỏ xó, đề thi xuân vi dù cũng có thể đoán, nhưng giới hạn trong kinh nghĩa và vấn đáp mà thôi, vì hai thứ này có dấu vết để đoán.
Còn đề thi từ là hoàn toàn dựa vào tâm tình của quan chấm thi, muốn nghĩ thi cái gì thì cho thi cái đó, dù có lấy hoa dại ven đường làm đề thi cũng là điều có thể.
Cái này mà cũng đoán được sao? !
Trừ phi đêm hôm đó đại ca đạp phải cứt chó, Hứa Nhị Lang quả thực không còn nghĩ ra khả năng nào khác.
Khoan đã... . . . tất cả khiếp sợ, nghi hoặc, mờ mịt vân vân của Hứa Tân Niên đều chuyển thành mừng rỡ và phấn chấn.
Đại ca đoán đúng đề rồi, đại ca đoán đúng đề rồi!
Hắn đã nghĩ thông, muốn thét dài ba tiếng để diễn tả sự kích động trong lòng lúc này.
"Với thi tài của đại ca, nếu đã đoán đúng đề thi, như vậy vòng thi thứ ba, Hứa Nhị Lang ta sẽ đứng đầu. Ta, ta sẽ có cơ hội cạnh tranh Hội nguyên."
Người thi đậu kỳ thi hội gọi là "Cống sĩ", người đứng đầu cống sĩ chính là "Hội nguyên" .
Hắn nghĩ như vậy là có đạo lý, đầu tiên, đối với thi hội, thân phận học sinh Vân Lộc thư viện của hắn sẽ không bị lộ ra ánh sáng, vì vậy sẽ không bị gạt bỏ. Thứ hai, Hứa Tân Niên là hạt giống đi học trời sinh, là học trò đắc ý của Đại Nho Trương Thận, cộng thêm cảnh giới “đã gặp không quên”, ý niệm thông suốt của hệ thống Nho gia, tài nghệ vượt xa học sinh Quốc tử giám.
Cuối cùng, để phòng ngừa tệ nạn trong khoa cử, Đại Phụng có tới ba quan chủ khảo, nhiều đồng khảo, thành phần đồng khảo phức tạp, ba quan chủ khảo nhất định là của ba đảng phái khác nhau.
Có khi còn đối nghịch với nhau.
Dù ngươi có mua được một quan chủ khảo, thì cũng không có khả năng mua được hai người còn lại.
Nên mỗi lần thi hội, giữa các quan chấm thi đều có một trận long tranh hổ đấu, thương lượng, thoải hiệp với nhau, đưa ra lựa chọn sau cùng.
"Ngày trời chưa sinh Hứa Tân Niên, hội thơ vạn cổ như đêm dài."
Kiêu ngạo như Hứa Tân Niên, mà lúc này trong phòng không có ai, cũng hoàn toàn không khống chế được tâm tình của mình, huơ tay múa chân, cười như thằng ngu.
Nếu có giường, hắn sẽ leo lên giường lăn lộn, hoặc uốn tới ẹo lui.
"Đại ca đúng là phúc tinh của ta! Bình tĩnh, bình tĩnh, đại ca có cho mình một bài vịnh chí... . ."
Hứa Tân Niên lấy lại bình tĩnh, cố ép mình tỉnh táo lại.
May mà hắn là nho gia Bát phẩm, thứ đã gặp qua là không quên được, hơn nữa thơ đại ca cho còn quá hay, làm hắn ghi nhớ vô cùng sâu sắc, rất nhanh đã nhớ lại.
Cử bút chấm mực, mở giấy nháp ra, mới phát hiện tay mình vẫn còn hơi run.
"Không có tiền đồ, mới chỉ là thi hội, đã kích động thành như vậy. Cha đã nói rồi, mình có Thủ phụ chi tư."
Tự trêu mình xong, Hứa Tân Niên hoàn toàn thả lỏng đầu óc, tay không còn run nữa, viết nhanh lên giấy:
Kim tôn thanh tửu đấu thập thiên, ngọc bàn trân tu trực vạn tiễn (lược dịch: Bình vàng rượu trong mười ngàn đấu, mâm bạc thức quý trị vạn tiền).
Đình bôi đầu trứ bất năng thực, bạt kiếm tứ cố tâm mang nhiên. (Dừng ly quăng đũa không ăn nổi, rút kiếm nhìn quanh lòng hoang mang).
Dục độ hoàng hà băng tắc xuyên, tương đăng thái hành tuyết mãn sơn (Muốn vượt Hoàng Hà băng đóng nghẽn, Thái Hàng muốn tới tuyết phủ đầy).
Nhàn lai thùy điếu bích khê thượng, hốt phục thừa chu mộng nhật biên. (Rảnh rỗi thả câu bên suối biếc, chợt mơ thuyền lướt cạnh mặt trời).
* Chú thích thêm: câu 7 là điển tích Lã Vọng, câu 8 là điển tích Y Doãn. Người thì đã 80 tuổi còn ngồi câu bên bờ sông Vị, gần 10 năm trời mới gặp được Văn Vương để đem tài năng lỗi lạc ra phò đời cứu nguy, an dân, hưng quốc, kẻ thì đợi vua Thang, đã bao đêm nằm mơ thấy mình "cưỡi thuyền đến bên thái dương”. Biết kiên nhẫn chờ thời cơ, nhưng chí không nản, ước mơ, chí hướng vẫn bền: "Chợt mơ thuyền lướt cạnh mặt trời”.
Đường đi khó, đường đi khó, nhiều đường rẽ, đường nơi đâu.
Trường phong phá lãng hội hữu thì, trực quải vân phàm tể thương hải (Sẽ có một ngày thuyền cưỡi gió, buồm mây rẽ sóng vượt biển khơi).
Tác giả có lương tâm giải thích: thơ thi dùng trong khoa cử, gọi là thể thơ phú đắc, thường đều là năm câu tám chữ, bốn chữ, sáu chữ, không có bảy chữ, qua dị thế giới nên ta cho đổi một chút, cho tiện!
Viết thơ xong, đọc đi đọc lại mấy lần, đảm bảo mình không có sơ sót, nhưng trong lòng lại nổi lên nghi ngờ mới.
"Hoàng Hà là cái gì? Thái Hành lại là cái gì? Rảnh rỗi thả câu bên suối biếc, chợt mơ thuyền lướt cạnh mặt trời, hai câu này có điển cố gì không ta... ."
Hứa Nhị Lang cau mày.
Hứa Tân Niên đọc đủ thứ thi thư, nhưng sàng lọc hết mà cũng không tìm ra Hoàng Hà với Thái Hành là ở đâu, với lại, theo hiểu biết của hắn về thi từ, "rảnh rỗi thả câu bên suối biếc, chợt mơ thuyền lướt cạnh mặt trời” nhất định là hai cái điển cố.
"Đại ca thật là, viết thơ mà lại không ghi chú, làm sao mình biết tâm cảnh lúc huynh ấy làm thơ là thế nào, dụng ý sâu xa khi làm bài thơ này là gì?"
"Hoàng Hà với Thái Hành hẳn là tên sông với tên núi, cái này thay tên khác được, hai câu "rảnh rỗi thả câu bên suối biếc” và “chợt mơ thuyền lướt cạnh mặt trời” này dù không có điển cố, nhưng ý muốn biểu đạt cũng không khó hiểu, vấn đề không lớn."
Vì vậy, sau khi thay "Hoàng Hà" và “Thái Hành”, Hứa Tân Niên viết vào bài thi:
Phú đắc đi đường khó
... ... .
Quan chủ khảo xuân vi lần này theo thứ tự là Đông Các Đại Học Sĩ Triệu Đình Phương, Hữu Ngự Sử Lưu Hồng và Vũ Anh Điện Đại Học Sĩ Tiền Thanh Sách.
Khác với học sinh, quan chủ khảo với các quan chấm thi từ khi bắt đầu thi hội là đã không hề rời khỏi cống viện, ngoài cửa gắn khóa, trừ phi mọc cánh, nếu không đừng hòng đi được.
Để phòng ngừa quan chấm thi thông đồng với học sinh, các quan chấm thi phải chờ sau khi có bản danh sách cống sĩ chắc chắn, mới được rời khỏi cống viện.
So với khói lửa vần vũ khi chấm thi hai vòng trước đó, lần này, thái độ và hứng thú của các quan chấm thi đã thay đổi rất lớn.
"Cái chó gì đây, thơ tệ thế này mà cũng dám mang ra thi hội bêu xấu."
"Mượn trúc dụ người, lấy này vịnh chí, góc độ mặc dù không tệ, nhưng vịnh trúc quá nhiều so với vịnh chí, lẫn lộn đầu đuôi."
"Ai, coi nãy giờ, không có một bài thơ nào nhìn được cả."
"Hồi trước cũng như vậy mà, quen rồi."
Quan chấm thi còn được gọi là Tố liêm nội quan, vừa chấm bài thi, vừa phê bình đánh giá, thoáng nhìn thì bầu không khí chấm thi thuốc súng mười phần, nhưng thật ra lại vô cùng ung dung thoải mái.
Thi từ không được coi trọng, làm tốt thì thêm gấm thêm hoa, làm không tốt cũng không sao cả, dù gì cũng một đống cặn bã, thơ các học sinh làm ra, đúng quy đúng củ rất là hiếm thấy, không đáng để các quan chấm thi phải làm việc nghiêm túc.
Ở kinh thành, nói đến thơ, có một người tuyệt đối là không ai dị nghị, chính là Đả Canh Nhân Hứa Thất An, được giới thơ học tôn sùng là đứng đầu thơ đàn, là cứu tinh của thơ đàn Đại Phụng.
"Nếu Hứa Thất An đó tham gia thi hội, không nói cái khác, ít nhất thi hội năm nay sẽ ra đời một bài thơ truyền thế."
"Đương nhiên, đáng tiếc Hứa Thất An không phải là người có học, sau này sách sử ghi lại, tất cả kiệt tác thi từ thời Nguyên Cảnh đều xuất phát từ người này, đám người có học chúng ta còn mặt mũi gì nữa."
Thái độ của người có học đối với Hứa Thất An rất phức tạp, vừa vui mừng vì sự quật khởi của hắn, đã viết ra những bài thơ hai trăm năm nay chưa từng có, khiến thời kì này tương lai sẽ không bị hậu nhân nhạo báng.
Lại tiếc cho hắn là một võ phu, mà không phải là người có học, vì chính bản thân điều này cũng sẽ là đề tài để cho hậu nhân nhạo báng.
Đại Phụng hai trăm năm nay, người có học cả ngàn ngàn vạn, thế mà một võ phu cũng không bằng.
"Ngàn sai vạn sai, đều là lỗi của Hứa Bình Chí."
Lúc này, một quan chấm thi mở một bài thi đã được sao ra để chấm, đọc được mấy giây, ông ta ngẩn ra, cả người như hóa đá, không nhúc nhích.
Nhưng môi thì không ngừng lẩm bẩm, lẩm bẩm, lặp đi lặp lại.
Kéo dài như thế cả mấy phút, quan chấm thi kia chợt đứng phắt dậy, nhìn chúng đồng liêu trong phòng một vòng, sau đó hít sâu, giọng đầy dõng dạc: "Ai nói người có học Đại Phụng không làm ra được thơ hay, người nào nói, người nào nói?"
Các quan chấm thi đều quay qua nhìn ông ta ngơ ngác, tự nhiên nổi điên cái gì.
Thơ đàn suy yếu đã hai trăm năm, người có học đương thời đều không thiện thi từ, chuyện này đều là sự thật, có gì hay ho mà cãi.
"Ba!"
Quan chấm thi kia vỗ bài thi lên bàn, ngực phập phồng, kích động nói: "Ta dám nói, bài thơ này vừa ra, ắt sẽ truyền lưu thiên hạ. Thi hội năm nay, nhất định sẽ được sử quan ghi lại."
Quan chấm thi ngồi cạnh nhìn ông ta, tò mò đi qua, cầm bài thi kia lên xem.
Hình như bệnh điên có lây. Quan chấm thi kia cầm bài thi, kích động tới mức cả người run rẩy: "Thơ hay, thơ hay, ha ha ha, ai nói người có học Đại Phụng không làm ra được thơ hay, người nào nói?"
Lúc này, các quan chấm thi còn lại đã nhận ra có kiệt tác ra đời, như tổ ong xông tới, giành nhau xem.
"Thơ hay, uống cạn một chén lớn."
"Sẽ có một ngày thuyền cưỡi gió, buồm mây rẽ sóng vượt biển khơi... . . Đây mới là thơ người có học nên viết."
"Một học sinh, sao có thể viết ra một bài thơ tang thương từng trải thế này?"
"Chắc là do thi không đậu, lấy thơ tỏ chí chứ gì."
Bài “Đi đường khó” xuất hiện, như con phượng hoàng vàng lẫn trong đám gà vườn, trân quý vô song, quan chấm thi cả phòng đều không ngừng ngâm nga, đánh giá đầy phấn khích.
"Khụ khụ!"
Ngoài cửa vọng tới một tiếng ho to, Đông Các Đại Học Sĩ chắp tay sau lưng, đứng ở cửa.
Ông ta bị tiếng huyên náo dẫn tới.
Đám quan chấm thi trong phòng liền im bặt.
"Ồn ào nhốn nháo còn ra thể thống gì?"
Đại Học Sĩ Triệu Đình Phương khiển trách mấy câu, sau đó hỏi: "Bổn quan vừa nghe thấy có người nói, thơ này vừa ra, danh truyền thiên hạ?"
Lập tức có một quan chấm thi tiến lên, cung kính dâng bài thi lên.
Đông Các Đại Học Sĩ quét mắt nhìn mọi người một cái, xong mới nhận lấy bài thi, nheo mắt nhìn... . . bàn tay cầm bài thi của ông ta khẽ run lên.
Dù là ai cũng đều có thể nhìn ra đây là một bài thơ hay, làm cho người ta phấn chấn.
Nhưng kinh nghiệm trải qua khác nhau, cảm nhận cũng sẽ khác nhau.
Bài thơ này vừa là vịnh chí, vừa là sự mô tả một đoạn thời gian trải qua của đời người. Từ "Lòng mờ mịt khó chọn đường” đến "sẽ có một ngày thuyền cưỡi gió, buồm mây rẽ sóng vượt biển khơi", những ai từng có trải qua cảnh ngộ tương tự, sẽ nhanh chóng cảm thụ được cảm xúc của nó.
Mà một câu cuối cùng là vịnh chí, là vẽ rồng điểm mắt, đẩy ý cảnh của cả bài thơ lên một tầng thứ cao hơn.
"Người này tuyệt đối là đại tài, nếu kinh nghĩa và vấn đáp đều là thượng cấp, Bổn quan nhất định sẽ điểm hắn làm Hội Nguyên!" Đông Các Đại Học Sĩ thầm nghĩ.
... . . . .
Ngày hôm sau hôm xuân vi kết thúc, Hứa Tân Niên phát hiện đãi ngộ cả nhà dành cho mình bị rơi xuống ngàn trượng, trước đây, sáng sớm mỗi ngày, nương đều sẽ bảo phòng bếp hâm cho hắn một chén sữa nóng.
Buổi trưa là cháo gà thơm phức, buổi tối là canh nhân sâm.
Trong ngày, nương sẽ thường xuyên ân cần hỏi han, tuy chẳng có biểu hiện thiết thực nào, nhưng cũng cho thấy rất là quan tâm.
Cha với đại ca khi trên bàn ăn cũng sẽ hỏi mấy câu, muội muội Hứa Linh Nguyệt cũng thế, ngay cả ấu muội Hứa Linh Âm thỉnh thoảng cũng sẽ kêu một câu: Nhị ca, phải cần cù cố gắng nha!
Thế nhưng sau khi thi hội xong, sữa nóng không, cháo gà không, nhân sâm không, sau khi hỏi chừng nào đề bảng, thì mọi người không còn chú ý tới hắn nữa.
Trên bàn ăn, Hứa Thất An hỏi: "Sao Nhị Lang trông không vui vậy, vòng cuối làm bài không tốt à?"
Hứa Nhị Lang không nói gì, chờ cơm nước xong, hắn kéo đại ca vào thư phòng, nhìn đại ca chằm chằm: "Đại ca... . Ngươi đoán trúng đề rồi."
Hứa Thất An vừa kinh ngạc vừa không, gật đầu hỏi: "Yêu nước hay là vịnh chí?"
"Vịnh chí!"
Hứa Tân Niên thỉnh giáo: "Hoàng Hà với Thái Hành là ở đâu? “Rảnh rỗi thả câu bên suối biếc, chợt mơ thuyền lướt cạnh mặt trời là xuất phát từ điển cố nào?"
... . Ớ? Câu này còn có điển cố? Ta không nhớ á. Hứa Thất An ngơ ngáo.
"Rảnh rỗi thả câu bên suối biếc, chợt mơ thuyền lướt cạnh mặt trời … chính là, chính là... . . Ai da sao ngươi hỏi nhảm nhiều thế? Thi cũng thi xong rồi, còn ở đây hỏi nhiều thế làm gì!
"Bỏ tứ thư ngũ kinh đi, ngày mai đại ca dẫn ngươi đi Giáo Phường Ty chơi."
Hứa Thất An hùng hùng hổ hổ chạy trốn.
Trở về phòng, phát hiện Chung Ly ngồi trên giường đang băng đầu, mơ hồ thấm ra máu.
"Lại té?"
"Ừ."
Chung Ly ấm ức gật đầu: "Ta phát hiện mạng của muội muội ngươi rất cứng."
"Muội muội nào?" Hứa Thất An hỏi.